Năm 2016 là năm các thay đổi trong chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội được triển khai. Ngay từ 01/01/2016, nhiều quy định cụ thể về lĩnh vực này sẽ có hiệu lực. Để thuận tiện cho quý khách hàng trong việc áp dụng các quy định mới, AAC xin tổng hợp các điểm cần lưu ý sau đây:

  1. Mức lương tối thiểu vùng

Từ ngày 01/01/2016, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP áp dụng như sau:

–        Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015).

–        Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015).

–        Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015).

–        Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2016 được quy định tại Phụ lục ban hành kèm Nghị định này.

  1. Hướng dẫn mới về Hợp đồng lao động

Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH (“Thông tư 47”) ban hành ngày 16/11/2015 hướng dẫn thực thi một số điều về kỷ luật lao động, hợp đồng lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.

Thông tư quy định rõ một số khoản chi sau không nằm trong phạm vi tiền lương, mà được ghi ở mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động; Tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; Các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Thông tư sửa đổi một số quy định về tiền lương trong thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số điều về tiền lương, theo đó:

  • Bãi bỏ quy định về việc phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH, chỉ còn quy định về việc trả lương một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
  • Sửa đổi, bổ sung quy định về tiền lương thực trả của ngày làm việc bình thường để tính tiền làm thêm giờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH: Tiền lương thực trả sẽ không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, trả thêm khi làm vào ban đêm, tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Tiền lương trả cho một ngày làm việc được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (tuy nhiên số ngày làm việc trong tháng không được vượt quá 26 ngày).

Tiền lương để làm căn cứ trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc có hưởng lương, tạm ứng tiền lương theo Điều 26 của Nghị định 05 là tiền lương theo hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

Thông tư 47 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

  1. Mức lương dùng làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Mức lương  dùng làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 và Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBH ngày 29/12/2015. Theo đó:

–        Từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Mức lương và phụ cấp lương đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47 nêu trên. Trong đó:

  • Mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán là mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
  • Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47 là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

–        Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương như trên và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47.

–        Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương quy định là tiền lương do doanh nghiệp quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

Các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ Luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

  1. Tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Bên cạnh các văn bản mới về lao động tiền lương, ngày 27/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 60/2015/QĐ- TTg về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, trường hợp chậm đóng bảo hiểm y tế từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.

Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội được bổ sung vào quỹ hưu trí, tử tuất thuộc quỹ bảo hiểm xã hội; Tiền lãi chậm đóng bảo hiểm y tế được bổ sung vào quỹ dự phòng bảo hiểm y tế để điều tiết chung; Tiền lãi chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp được bổ sung vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2016.