Nghị định số 20/2025/NĐ-CP ngày 10/02/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Ngày 10 tháng 2 năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2025/NĐ-CP (“Nghị định 20”) để sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 132. Những sửa đổi quan trọng của Nghị định 20 như sau:
Về các bên có quan hệ liên kết
Các tổ chức cho vay, bảo lãnh hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng sẽ không còn được coi là có quan hệ liên kết với bên vay hoặc bên được bảo lãnh, trừ khi họ (i) tham gia “quản lý, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư” vào bên vay hoặc bên được bảo lãnh, hoặc (ii) chịu sự “quản lý, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư” của cùng một bên thứ ba giống như bên vay hoặc bên được bảo lãnh. Đây là nội dung sửa đổi quan trọng mà người nộp thuế đã có nhiều phản ánh trong suốt các năm qua, về việc bị coi là có giao dịch liên kết chỉ vì vay vốn từ ngân hàng thương mại với tỷ lệ vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay. Trong các năm qua, điều này từng dẫn đến hạn chế về chi phí lãi vay được khấu trừ theo tỷ lệ EBITDA.
Quan hệ liên kết được bổ sung thêm các trường hợp:
- Công ty con, đơn vị bị kiểm soát hoặc đơn vị liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, và
- Chi nhánh độc lập trong việc kê khai nộp thuế TNDN.
Cập nhật mẫu kê khai giao dịch liên kết
Nghị định 20 ban hành mẫu mới của Phụ lục I thay thế Phụ lục I trong Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Người nộp thuế sẽ phải sử dụng mẫu Phụ lục mới này cho các kê khai giao dịch liên kết từ kỳ tính thuế năm 2024.
Chuyển tiếp quy định về chi phí lãi vay không được khấu trừ
Do sự thay đổi định nghĩa về quan hệ liên kết liên quan đến tổ chức tín dụng nêu trên, Nghị định 20 cũng đưa ra hướng dẫn chuyển tiếp đối với các khoản chi phí lãi vay không được khấu trừ phát sinh trước năm 2024. Theo Nghị định 132, các khoản lãi vay không được khấu trừ có thể được chuyển sang các năm sau nếu tỷ lệ chi phí lãi vay ròng trên EBITDA dưới 30% trong những năm đó. Việc điều chỉnh định nghĩa bên liên quan theo tiêu chí vay vốn sẽ có hiệu lực từ năm 2024. Do đó, các trường hợp doanh nghiệp vay vốn từ tổ chức tín dụng trước năm 2024 bị coi là giao dịch liên kết nhưng từ năm 2024 trở đi thì không còn bị coi là giao dịch liên kết nữa. Phần chi phí lãi vay không được trừ và chưa được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo tính đến cuối kỳ tính thuế năm 2023 được phân bổ đều chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo cho thời gian còn lại (5 năm kể từ năm phát sinh chi phí lãi vay).
Hiệu lực thi hành
Nghị định 20 có hiệu lực từ ngày 27 tháng 3 năm 2025 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2024 trở đi.
*Nội dung trong Cập nhật Văn bản mới này chỉ nhằm mục đích thông tin đến người đọc những thay đổi về pháp luật kinh doanh tại Việt Nam. Những thông tin ở đây đều là thông tin chung không được đưa ra cho bất kỳ trường hợp cụ thể của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Trong trường hợp vận dụng thực tế, người đọc nên căn cứ vào nội dung toàn văn của các văn bản pháp luật tương ứng hoặc sự hướng dẫn của các chuyên gia tư vấn của AAC.